Saturday, March 29, 2014

VỀ PHAN BỘI CHÂU TIÊN SINH: MẤY VẤN ĐỀ XIN ĐƯỢC BÀN LẠI...

Nguyễn Đình Chú - Nước mất, phải tìm đường cứu nước. Nhưng cứu nước bằng đường lối nào? Quả thật là chuyện vô cùng khó khăn. Có cái nhất thời cho là đúng, nhưng với lâu dài là gì? Rõ ràng không đơn giản với những ai có tầm nhìn vĩ mô. Chuyện giữa hai cụ Phan, ai đúng ai sai? Ai hơn ai kém? đâu phải là dễ có kết luận cuối cùng.
Hẳn là chúng ta đều thấm nhuần quan điểm Mác xít cho rằng: nhận thức chân lý phải là một quá trình, phải từ chân lý tương đối mà đi gần tới chân lý tuyệt đối và cũng chẳng có chân lý tuyệt đối. Hay nói theo thuật ngữ của Pháp: nghiên cứu khoa học là recherche, tức là tìm đi tìm lại, cứ thế mà tìm mãi. Không ai có thể tự cho đây là tiếng nói cuối cùng.
Với những ý nghĩ như trên, tôi xin được bàn lại một số vấn đề đã và đang thành vấn đề đối với Phan tiên sinh, con người mà cả dân tộc Việt Nam ta, không một ai không tôn vinh, riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đã suy tôn là "một bậc anh hùng, một vị thiên sứ, đấng xả thân cứu nước được hai mươi triệu đồng bào sống trong vòng nô lệ tôn kính"(1).

I. VẤN ĐỀ: BẠO ĐỘNG ĐỂ CỨU NƯỚC

Phân tích phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở đầu thế kỷ XX, các nhà sử học Mác xít đã chia thành hai khuynh hướng, cũng là hai đường lối: ám xã  minh xã. Ám xã là vũ trang, bạo động mà Phan Bội Châu là người tiêu biểu với việc âm mưu đánh chiếm thành Nghệ (1901), với các phong trào Đông du, Việt Nam Quang phục hội… Minh xã là vận động duy tân, cải cách một cách công khai trong vòng pháp luật của chính quyền thực dân, từng được mệnh danh là cải lương. Từ đó, nổi lên một cách đánh giá gần như là chính thống, cho rằng bạo động mới là cách mạng, còn cải lương là thoả hiệp. Mặc dù với cải lương thì được phân thành hai trạng thái: cải lương tích cực mà đại diện là Phan Châu Trinh, là phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Duy Tân nói chung. Cải lương phản động, tay sai của thực dân Pháp mà tiêu biểu là Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiêu, kể cả Phạm Quỳnh trên phương diện văn hoá mang tính chất chính trị. Nhưng, ngay với đường lối cải lương tích cực, trong buổi đầu xuất hiện đường lối cách mạng vô sản ít nhiều có bệnh tả khuynh thì cũng đã bị phê phán gay gắt. Sự nhận thức và đánh giá các khuynh hướng, đường lối cứu nước ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã chịu sự chi phối trực tiếp của quan điểm và đường lối cách mạng vô sản vốn đã lấy việc "đấu tranh là hạnh phúc", mà đấu tranh thì coi vũ trang bạo động là phương thức tối thượng, tối ưu, thậm chí như là độc đạo. Nhất là trong bối cảnh nhận thức của gần ba chục năm liên tục có chiến tranh, từ sau ngày cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Đường lối cách mạng lấy vũ trang bạo động làm đầu dĩ nhiên là có từ truyền thống dân tộc: "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" (tục ngữ), "sống đánh giặc thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh" (Nguyễn Đình Chiểu). Điều đáng nói là quan điểm và đường lối thiên về vũ trang bạo động cũng đã thành hệ quy chiếu trong việc đánh sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu. Người ta đề cao Phan Bội Châu trên Phan Châu Trinh, coi Phan Bội Châu là người tiêu biểu nhất, sáng giá nhất trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX trước khi có Nguyễn Ái Quốc, có Đảng Cộng sản Đông dương, với nhiều căn cứ, nhưng trước hết là căn cứ ở đường lối bạo động của Cụ. Trừ trường hợp chủ tịch Hồ Chí Minh thì đã đặt hai cụ Phan ngang hàng nhau(2). Rồi người ta cũng lên án ở mức này, mức khác, thậm chí có người cho là vết đen trong đời cách mạng của Phan Bội Châu vì đã đưa ra chủ trương Pháp Việt đề huề, tức là từ bỏ con đường cách mạng chỉ vì không bạo động.
Chuyện đã diễn ra trong nửa sau thế kỷ trước là thế. Nhưng gần đây lại có chiều hướng khác. Khác ở chỗ muốn đề cao đường lối cải lương mà phần nào hạ thấp đường lối bạo động. Không kể trong dư luận của một số người, chỉ riêng trên giấy trắng mực đen thì khuynh hướng khác trước này thể hiện là ở hai bài viết của giáo sư Vĩnh Sính (Việt Kiều) và một bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc(3). Hai ông, đều đề cao Phan Chu Trinh. Riêng Nguyên Ngọc thì coi Phan Chu Trinh là người có tư tưởng "cập nhật kỳ lạ" của thời đại, mới đáng gọi là nhà cách mạng của đầu thế kỷ XX. Điều đó đáng để mọi người suy nghĩ và trao đổi thêm. Nhưng đáng tiếc là hai vị trong khi đề cao cụ Phan xứ Quảng thì lại đơn giản hóa quá đáng cụ Phan xứ Nghệ. Trong việc đơn giản hóa này, trực tiếp hoặc gián tiếp chắc là có dựa vào chính lời Phan Châu Trinh nói về Phan Bội Châu(4). Quả thật, trong bài "Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam" của Phan Châu Trinh viết trong thời gian mới đến nước Pháp (1911) để gửi cho Mét xi mi và Xarô là "hai tên đầu sỏ thực dân cầm vận mệnh năm xứ Đông dương" (Chương Thân), từng viết về Phan Bội Châu lược trích như sau:
"Phan Bội Châu là người rất có chí khí, có nghị lực, nhẫn nhục, dám làm, có điều tin vào thì không chịu bỏ, dẫu có sấm sét cũng không đổi. Nay sĩ phu khắp nước chưa ai có thể ví với ông ấy. Tiếc thay học thuật không rành, thời thế không rõ, thích dùng quyền thuật, tự dối mình dối người, ngoan cố không đổi. Lớn lời không ai bì, hãm quốc dân vào đất chết, cam chịu tiếng ác mà không biết… Chủ nghĩa phục thù cực đoan mà Phan Bội Châu chủ trương thật là hết sức sai lầm, chỉ hãm quốc dân vào chỗ chết, không hợp thời thế, không sát với lý luận… Bởi vì ông ấy là người đại biểu cho thói quen trên lịch sử ngàn năm của dân tộc nước Nam. Không biết chân tướng của người nước Nam, xem ông ấy thì biết được. Dân nước Nam rất giàu tính bài ngoại, thì bài ngoại của ông ấy đến chỗ cực đoan. Người nước Nam rất thích dựa người ngoài, ông ấy lại ỷ ngoại đến chỗ cực đoan. Dân Nam rất thiếu tính tự lập, ông ấy lại càng hơn nữa. Tính chất, trình độ của ông ấy đều cùng hợp với tính chất, trình độ của quốc dân… Than ôi! không biết cái ngu cái kém mà làm thì cũng có thể thứ cho. Biết cái ngu, cái kém, cái không địch lại mà cứ muốn lợi dụng để thực hành chí mình thì ta không biết ông ấy đã cư xử theo cách nào. Than ôi! Từ nay về sau ta mới biết cái độc ác của bát cổ. Ông ấy chưa hoàn toàn thoát khỏi mặt mũi của bát cổ, không chỉ đủ làm mất nhà, nước người, mà còn hiện hình biến tướng đến giết hết cả giống nòi mà chưa thôi…"(5).
Qua những gì từng diễn ra với Phan Bội Châu như trên, thấy rõ chuyện đời không hề đơn giản. Mỗi lúc một khác, chuyện bạo động của Phan Bội Châu trước thì được đề cao, nay lại có chiều bị hạ thấp. Cũng như chuyện "cải lương" của cụ Phan Châu Trinh, trước bị đánh giá thấp, nay lại có chiều đặt lên cao. Mà như thế thì chuyện đề huề của cụ Phan Bội Châu trước bị phê phán - thì nay không chừng lại được biện hộ. Kể ra thì chuyện biến động, chuyện phức tạp như thế trong nhận thức, cũng là bình thường, nhất là một khi quyền tự do suy nghĩ, quyền dân chủ trong học thuật đang có khả năng trỗi dậy trong thời đại ngày nay. Nói vậy, không có nghĩa là không còn nghĩ đến yêu cầu tiến lên trong khoa học để tìm thêm những kết luận hợp lý hơn. Với yêu cầu như thế, tôi có một số ý kiến như sau:
1. Đã đến lúc phải xoá đi khoảng cách cực đoan giả tạo, phi lịch sử giữa hai đường lối bạo động và cải lương, để rồi lúc thì đề cao bên này, lúc thì đề cao bên kia, và ngược lại. Mặc dù, chuyện thích bên này hơn bên kia là chuyện của cá nhân, chẳng ai có quyền bắt ép ai. Cần nhận rõ, trong thực tế đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, quan hệ giữa "ám xã" và "minh xã" là quan hệ vừa khác biệt, vừa thống nhất. Đọc kỹ lại lịch sử, sẽ thấy rõ điều đó.
2. Cần thấy, ở Phan Bội Châu tuy thiên về bạo động nhưng không hề xa lạ, ngược lại còn rất gắn bó với phong trào Duy Tân - Cái tên hội Duy Tân mà Phan Bội Châu cùng Nguyễn Hàm khởi xướng; quan hệ giữa Phan Bội Châu với Đông Kinh nghĩa tục qua việc dịch thuật tác phẩm của Phan như Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử để làm tài liệu giáo khoa của nhà trường; quan hệ giữa Phan Bội Châu với nhóm Triêu dương thương quán ở Nghệ An của Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá từng được mệnh danh là "minh xã"… đủ nói lên mối quan hệ không mảy may chút đối lập, ngược lại là sự "hợp đồng tác chiến", là "hai mũi giáp công" giữa Phan Bội Châu với các chí sĩ Duy Tân đương thời. Trường hợp quan hệ giữa Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh thì quả là có sự khác biệt rõ rệt, một khi Phân Châu Trinh là người trước sau chống lại con đường bạo động, chống lại chủ trương cầu ngoại ("bất bạo động, bạo động tắc tử" - "bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu"). Và từ sự bất đồng chính kiến này, thái độ, cách nhìn của Phan Châu Trinh như thế nào về Phan Bội Châu thì những gì được trích dẫn trên đây hẳn là chúng ta đã rõ phần nào. Phải chăng ở đây có sự phiến diện, sự quá lời từ một cá tính sống mãnh liệt, sắc sảo, sòng phòng nhưng ít nhiều thiếu sự điềm tĩnh trong nhất thời. Rất mong lớp cháu con hậu sinh hôm nay với ý thức tư duy cá thể theo tinh thần của Descartes "Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại" (Je pense donc je suis) sẽ có thái độ khách quan trước những lời của cụ Phan xứ Quảng nói về cụ Phan xứ Nghệ. Xin hãy xét đến hoàn cảnh phát ngôn của cụ Phan xứ Quảng là gì? Phương pháp tư duy của cụ là gì? Rồi hãy đọc lại những gì cụ Phan xứ Nghệ dành cho cụ Phan xứ Quảng, để thấy cách xử sự của cụ Phan xứ Nghệ với cụ Phan xứ Quảng là gì và con người cũng như cá tính cụ Phan xứ Nghệ như thế nào? Ở đây xin lược trích vài đoạn trong bức thư gửi Phan Châu Trinh (1907):
"…Hai mươi năm nay, tôi đã bị chìm trong lớp sóng nô lệ trên mặt biển dơ duốc, rồi say sưa với cái thuyết quân thân của bọn hủ nho, nào có biết gì là Mạnh Đức Tư Cưu, là Lư Thoa(6) đâu! Nay nghe huynh ông rán sức đem thuyết dân chủ để cổ động người nước ta… Lời nói vĩ đại làm sao! Tấm lòng tốt đẹp làm sao!... Tuy thế, mặc dù quốc dân ta ngày nay còn đang măng sữa, khác nào còn ở giai đoạn phôi thai. Răng đứa trẻ còn chưa chắc mà đã đút xương bắt nhai, chân đi chưa vững mà lấy roi vọt khua bắt chạy, làm thế nào mà nó không hóc, không què thì thiệt là vô lý! Trình độ quốc dân ta còn kém hẳn người Âu. Mình mẩy đã đui què, tàn tật, lại thêm đói rét lầm than, hằng ngày lo mặc đã không xuể rồi. Muốn kêu to mà thức họ dậy, thì phải chờ cho tới ngày họ chán chường hẳn với chính sách ác bạc và luyến tiếc chế độ ngày xưa, rồi nhân lúc đó cho họ thấy cái hy vọng có thể nhân cơ hội này lập chút công danh, vùn vụt nổi lên như gió thổi, dồn dập vang dậy như sấm vang, cả nước đồng lòng thì may ra mới mong được việc. Bây giờ vội vã đề xướng một học thuyết không đầu, không đuôi, đưa người đến giữa ngã ba, ngã bảy, tiếng đó la lên, rồi đây sẽ được mấy người tán thành?... Dân không còn nữa mà chủ với ai? Khi đó thì dầu huynh ông có bầu máu nóng đi nữa, rồi cũng chẳng biết đem rưới vào đâu nữa đâu! Giờ đây nghe mấy lời tôi nói đó, chắc là huynh ông sẽ mắng ngay rằng: Đồ hèn nhát! Đồ hèn nhát! Nhưng nào tôi có phải là người cam lòng làm nô lệ đâu!... lý luận và thực hành bao giờ cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Ngày nay là lúc thực hành… Rồi đây, mươi mười năm nữa, huynh ông sẽ đưa cái thuyết đó ra, thì người đầu tiên đứng cạnh huynh ông để mà vỗ tay hoan hô sẽ là tôi đây vậy. huynh ông nghĩ xem: mặt tôi đây có thể đi làm tôi đòi, làm chó săn đâu!".
Nước mất, phải tìm đường cứu nước. Nhưng cứu nước bằng đường lối nào? Quả thật là chuyện vô cùng khó khăn. Có cái nhất thời cho là đúng, nhưng với lâu dài là gì? Rõ ràng không đơn giản với những ai có tầm nhìn vĩ mô. Chuyện giữa hai cụ Phan, ai đúng ai sai? Ai hơn ai kém? đâu phải là dễ có kết luận cuối cùng. Xin dành để mọi cá nhân tự kết luận. Nhưng điều này thì nói chắc được, về thái độ, tình cảm cụ Phan xứ Nghệ trước sau vẫn rất quý trọng cụ Phan xứ Quảng. Chỉ cần đọc lại "Bài văn tế Phan Châu Trinh" (1926) của Phan Bội Châu với những câu như: "Anh em ta đất rẽ đôi đường/ Tình chung một khối/ Gánh tồn vong ai cũng nặng nề/ Nghĩa chung thuỷ lòng càng bối rối" thì thấy rõ cá tính, nhân cách của Cụ. Nhìn nhân Phan Bội Châu mà chỉ thấy trước sau Cụ chỉ biết có bạo động một cách độc đạo, không thấy Cụ nhất thời thiên về bạo động nhưng không hề xa lánh ý tưởng cải cách duy tân, không thấy cụ trong buổi đầu thử thách mình với đường lối bạo động, sau thấy không thành thì chuyển hướng sang con đường khác, mặc dù bị một loại dư luận, quan điểm nhất thời lên án nhưng xem ra thời gian lại ủng hộ Cụ.

II. PHAN BỘI CHÂU VÀ CÔNG CUỘC ĐÔNG DU

Nếu tôi không lầm thì ở đây đã có một nghịch lý đáng nói. Bởi với phong trào Đông du thì cho đến nay, sử sách hầu như chỉ có tán dương, đề cao, cùng với việc đề cao các phong trào Duy Tân, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào chống thuế, Việt Nam quang phục hội… nhưng với Phan Bội Châu, là lãnh tụ của phong trào Đông du thì lại bị chê trách phê phán, vì đã dựa vào Nhật Bản. Lại không ai khác, chính Phan Châu Trinh là người lên tiếng phê phán đầu tiên cũng trong tác phẩm "Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam" như sau:
"Ngày nay, có kẻ danh sĩ trong nước, tự phụ yêu nước, chẳng biết đem hết sức ở trong mà đề xướng quốc dân, không có phương châm gì, chạy bậy ra nước ngoài, như sư tử ngủ mê không có sức, tô vẽ non sông để theo kẻ quyền mạnh, nói năng bậy bạ, không để ý tới lợi hại, kịp muốn mời một nước thứ ba miệng Phật lòng rắn, chẳng có đạo người, đem cả tính mệnh mà giao kết cho thì sau mới thấy làm thích".
Sau này, cũng tiếp tục sự phê phán đó bằng một luận điểm quen thuộc là:
"Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau". Quả thật, những lời phê phán này đã ảnh hưởng tới nhiều người, hơn nửa thế kỷ qua khi đến với Phan Bội Châu. Trong khi chính Phan Bội Châu, lại coi mấy năm Đông du của mình ở Nhật Bản (1906-1908) là "thời ký đắc ý nhất" trong cuộc đời cách mạng của mình. Vậy, chúng ta nên hiểu hiện tượng này như thế nào cho thoả đáng? Trước hết phải thấy việc nhận thức về nước Nhật là không đơn giản. Bởi có một nước Nhật vốn cũng nghèo nàn, nhưng nhờ biết duy tân mà trở thành một nước hùng cường. Bởi có một nước Nhật phát xít đã gây tội ác cho Triều Tiên, Trung Hoâ và Việt Nam và hôm nay lại có một nước Nhật là một trong mấy đối tác lớn nhất đầu tư vào Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam phát triển. Chuyến thăm Nhật Bản của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa qua chẳng đã đưa lại niềm vui lớn cho người dân Việt Nam ta đó sao. Vậy thì Phan Bội Châu đến Nhật Bản, dựa vào Nhật Bản là dựa vào điều gì? Hẳn là dựa vào kinh nghiệm duy tân - chứ dựa vào gì khác. Phan chẳng đã tự nói: "Đến như hội duy tân thì là một học hội. Tôi có chiêu tập những hàng thanh niên anh tuấn trong nước ra ngoài cầu học… Một hội như thế, có việc gì là đáng tội đâu!" Dĩ nhiên đây là lời Phan tự biện hộ trước toà án của kẻ thù nhưng cũng là sự thật. Cứ nhìn vào những gì mà Phan Bội Châu đã làm, đã tranh thủ sự giúp đỡ trên đất Nhật thì đó không phải là đem lại cái lợi cho đất nước sao. Một lớp thanh niên ưu tú của đất nước được Phan đem đi Đông du là gì với phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX, nào đã có ai nợ, ai dám phủ nhận. Sao lại có chuyện đề cao Đông du mà chê trách người lãnh tụ Đông du. Thấy Nhật Bản về sau trở thành phát xít đến gây đau khổ cho đất nước ta từ năm 1941 đến 1945 mà cho rằng dựa vào Nhật Bản thời 1906-1908 là "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau" e là một sự quá lo xa, mà một trong những lý do là vô tình hay hữu ý bỏ quên mất hiện tượng năm 1918 trong Pháp Việt đề huề chính kiến thư, Phan Bội Châu đã lên án Nhật Bản một cách gay gắt với những lời lẽ như sau:
"Nhật Bản kia là một nhà nham hiểm nhất trong thế giới, cũng là một bác nhanh chân trong trường đi săn. Bắt đầu khi liệt cường đua nhau dúng tay cầu lợi ở Trung Hoa thì Nhật Bản đã vớ trước ngay được mấy miếng thịt béo là Đài Loan và Nam mãn, đến bây giờ thì cả vùng Phúc Kiến và Sơn Đông đã hình như ở trong túi người Nhật. Nhưng cái lòng tham lam hăng hái của người Nhật, được thế phỏng đã lấy làm no chán chăng!... Nay tôi lại thử đặt mấy vấn đề này để ngỏ cùng người Nam:
Người Nhật lấy được Việt Nam, người Nam phỏng dám vin cái lẽ là Tổ quốc mà đòi lại ở trong tay ông khách cường ngạnh kia không? Tôi biết rằng không khi nào dám. Nay thử xem Cao Ly, Đài Loan, cái hùng hiểm người Nhật có phần lại gấp trăm nghìn ông bảo hộ hiện tại ngày nay đó. Đó là điều thứ nhất.
Người Nhật lấy được Việt Nam, người Nam phỏng còn dám mong có ngày tự chủ độc lập hay không? Tôi biết rằng không khi nào dám. Nước Pháp xa cách nước Nam, kể có muôn nghìn dặm bể, thế mà năm mươi năm nay, không hề bao giờ thoát khỏi được vòng ràng buộc, huống chi vào tay người Nhật ở kề cửa liền nhà kia, chiến hạm, sư đoàn, sớm đi tối đến, thì do đó bọn người Nam liệu có thể giơ tay cất chân được nữa chăng. Đó là điều thứ hai.
Việt Nam thuộc quyền người Nhật phỏng người Nhật có chịu để chút cơm thừa canh cạnh nhường cho người Nam lót dạ hay không? Tôi biết rằng không khi nào có được cái hy vọng ấy. Đất nước Nhật Bản hẹp xấu mà nhân khẩu nhiều, cố liều chết tìm đất thực dân, túi tham vơ vét vẫn chưa đủ, còn đâu thừa thãi bố thí cho ai. Đó là điều thứ ba"…
Những lời lẽ trên đây về Nhật Bản dù là có phần viết ra để doạ, để ép thực dân Pháp phải thực bụng đề huề, đảm bảo quyền lợi cho đất nước Việt Nam của mình, nhưng không phải là không đúng với sự thật cường bạo của Nhật Bản đang trên đường phát xít hoá, mưa toan "hùng bá Á Châu". Chuyện là như thế, thì khó nói là "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau". Một nhà cách mạng có văn hoá lớn, có trí tuệ lớn như Phan Bội Châu chả lẽ lại không biết "tương kế tựu kế" sao! Phan Bội Châu chẳng đã tuyên bố: "đối với tôi có một mục đích duy nhất là giành được độc lập dân tộc, còn chủ nghĩa gì cũng chỉ là thủ đoạn" (Phan Bội Châu niên biểu). Như thế, lúc cần thì dựa vào Nhật. Lúc khác lại có thể chống Nhật, chứ sao.

III. VẤN ĐỀ PHAN BỘI CHÂU VỚI CHỦ TRƯƠNG PHÁP VIỆT ĐỀ HUỀ

Đúng là sau gần hai chục năm tiến hành công cuộc cứu nước theo đường lối bạo đồng mà không đưa lại kết quả gì, nhất là trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lúc đầu cứ tưởng là Pháp sẽ bại trận, nên có ý dựa Đức hất Pháp ở Đông dương rồi sau sẽ tính, nhưng rút cục thì Pháp lại thắng trận. Trong bối cảnh đó, Phan Bội Châu, cũng lại tương kế tựu kế, đã chuyển sang chủ trương đề huề với thực dân Pháp, qua luận văn "Pháp Việt đề huề chính kiến thư" (1918). Và thực tế, thực dân Pháp đã không thực hiện đề huề với Phan. Cho nên, Phan lại muốn trở lại con đường bạo động. Có thể nói là sau 1918 cho đến ngày bị bắt giải về nước (1925) Phan Bội Châu đã rơi vào tình trạng chao đảo giữa hai con đường bạo động và đề huề cải lương. Còn sau ngày về sống cuộc đời ông già Bến Ngự thì với Phan đã không thể nào khác, lấy chủ trương đề huề làm chủ đạo. Sự thật là vậy. Vấn đề là đánh giá sự thật này như thế nào cho thoả đáng, cho có lý lẽ. Thực tế là trong hơn nửa thế kỷ qua, với các học giả Mác xít, chẳng đã coi đó là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời cách mạng của nhà chí sĩ họ Phan quê xứ Nghệ đó sao? Nhưng đây đã là tiếng nói cuối cùng rồi ư? E chưa. Tôi xin được nói lại theo nhận thức của mình như sau:
1. Chuyện đánh giá chủ trương Pháp Việt đề huề này rõ ràng có sự chi phối trực tiếp của đường lối cách mạng lấy phương thức bạo động làm độc đạo vốn có của một thời mà tầm mắt của chúng ta chỉ cho phép như thế. Còn hôm nay, một khi tầm mắt đã có mở rộng thì cách nhìn, cách nghĩ lại có thể khác. Khác bởi thấy để đi đến độc lập, trên trái đất này, có nơi đã không nhất thiết theo con đường bạo động mà thiên về cải cách ôn hoà. Trong thực tế sinh động đa dạng đó, chuyện được mất là gì? Hẳn là mỗi một người chúng ta sẽ có lời kết luận cho riêng mình, một khi tư duy cá thể đang cần được trỗi dậy.
2. Riêng về việc hiểu nội dung chủ trương đề huề của Phan Bội Châu trong thực tế cũng có vấn đề cần được nói lại. Thực tế là có hiện tượng đơn giản hoá nội dung, cũng có thể nói là ít nhiều cố tình không hiểu đúng thực chất của nội dung đề huề đó là gì? cụ thể là:
a. Cho rằng Phan Bội Châu sau 1918 chỉ còn lại là chủ trương đề huề với thực dân Pháp, có nghĩa là từ bỏ con đường cách mạng. Trong khi, như trên đã nói ở Phan là có sự chao đảo giữa hai con đường đề huề và bạo động. Về khuynh hướng bạo động, cứ đọc lại luận văn "Thiên hồ, đế hồ" của Cụ viết năm 1923, đáng được ghép đôi với "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1925, để coi đó là hai bản án buộc tội kẻ thù thực dân Pháp sắc sảo nhất, tập trung nhất trong văn chương chính luận của văn học chống Pháp trước 1945; cứ tìm hiểu kỹ vào nội dung văn chương khác của Phan Bội Châu với nhiều thể loại trong đó có thể loại liệt truyện về các chí sĩ chống Pháp, về Lê-nin (vị tổ sư của cách mạng vũ trang của thế giới)… thì không thể nói là sau khi có "Pháp Việt đề huề chính kiến thư", Phan Bội Châu đã đoạn tuyệt hẳn với tư tưởng bạo động. Với Phan Bội Châu, làm cách mạng, tiến hành công cuộc cứu nước như đã nói là phải tương kế tựu kế, phải dùng nhiều phép thử - thử cái này không được, thử sang cái khác, cái khác được không lại thử lại cái này. Tôi nghĩ đó là điều cần thiết của nhà cách mạng trước sự nghiệp cứu nước vốn là vô cùng khó khăn. Cái gọi là kiên định lập trường cần có là lòng quyết tâm cứu nước đến cùng, chứ không phải ở thủ đoạn cách mạng. Phải chăng chân lý là vậy.
b. Qua các văn bản trực tiếp nêu lên chủ trương đề huề của Phan Bội Châu, người đọc không bị định kiến phiến diện sẽ thấy rõ: Trong khi chủ trương đề huề, Phan Bội Châu đã tự coi đó là một bước tiến trên con đường cứu nước của mình là "bỏ cái chủ nghĩa cũ kỹ, dã man cách mạng mà mưu toan chủ nghĩa mới mẻ văn minh cách mạng"(7), coi đường lối bạo động trước đó mình đã đi "chính là bậc thang, chặng đường cho người làm cách mạng tất phải đi qua vậy"(8) Riêng về chủ trương đề huề thì Phan đã nói rất rõ: có đề huề thật và đề huề giả. Đề huề mà Phan Bội Châu chủ trương phải là đề huề thật để hai bên cùng có lợi. Thực tế, Phan đã nhận rõ thực dân Pháp không chịu đề huề thật. Và như thế thì Phan lại tiếp tục chống Pháp, chứ không chịu để đất nước phải sống trong cảnh đề huề giả. Đọc lại đoạn văn sau đây thì rõ tư tưởng đề huề của Cụ thực chất là thế nào:
"Cái hoàn cảnh của tôi bây giờ tuy khác trước nhưng tấm lòng ái quốc của tôi thì trước sau cũng như một. Cái chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề là cái chủ nghĩa tôi đề xướng từ mười năm nay, chứ không phải về đây vì được khỏi chết mà đề xướng. Tôi định đề huề là đề huề với cái Chính phủ khai hoá cho dân Việt Nam chứ không đề huề với cái Chính phủ áp bức dân Việt Nam… Tôi lại xin có một lời kính trình với Chính phủ bảo hộ rằng: Tôi lâu nay đã đành bỏ cái chủ nghĩa phản kháng mà xướng cái chủ nghĩa đề huề thì tâm sự tôi thế nào Chính phủ cũng đã biết, nếu Chính phủ định áp chế dân Việt Nam, thì tưởng nên lấy thế lực của Chính phủ mà thi hành đi, không cần lợi dụng cái chính sách đề huề của tôi làm gì. Nếu Chính phủ nghĩ rằng Pháp - Việt đề huề là có lợi cho dân hai nước thì Chính phủ thi hành cái lối đề huề thật cho dân tộc Việt Nam dễ theo, mà đến khi tôi hành động về chủ nghĩa ấy cho khỏi mang tiếng người ta trách là tôi bị lừa, và Chính phủ đang lừa dân Việt Nam. Tôi lại xin Chính phủ nên nhận cho cái chủ nghĩa đề huề là phải thì nên thi hành sự đề huề thật cho tôi được trông thấy. Ấy là Chính phủ và quốc dân có ơn tác thành cho tôi còn hơn là cái ơn lấy công lý mà tha tôi khỏi chết và yêu cầu cho tôi được tha vậy".
("Lời tuyên ngôn thông cáo cả toàn quốc" - Trung Bắc tân văn - Phụ trương ngày 14/1/1926).
Tiếc là những người từng lên án gay gắt chủ trương Pháp Việt đề huề của Phan Bội Châu đã không nhìn kỹ vào thực chất chủ trương này của Cụ là gì, trong khi đã đơn giản hoá nó để phê phán. Cũng tiếc là các vị gần đây đã dựa vào ý kiến của cụ Phan xứ Quảng về cụ Phan xứ Nghệ nói trong một thời điểm nhất định, chưa có điều kiện theo dõi hết lộ trình cứu nước của cụ Phan xứ Nghệ, trong đó có chiều hướng càng ngày càng xích gần với mình, để từ đó ít nhiều hạ thấp cụ Phan xứ Nghệ mà trên đây đã nói tới. Kể ra ở đời, hiểu nhau cho thấu đáo cũng là khó, ngay cả với các vĩ nhân.
3. Quả thật chung quanh vấn đề bạo động hay cải lương, đề huề, việc nhận thức của người đời thời nay là không dễ gì thống nhất trong hoàn cảnh đất nước đã đổi mới, ý thức dân chủ trong đó có sự phát triển của tư duy cá thể (hiểu theo nghĩa chân chính). Người nghĩ thế này. Người nghĩ thế khác. Giữa chính thống và phi chính thống ít nhiều cũng có sự khác nhau. Vấn đề là phải tìm thêm một cách hiểu sao cho có sức thuyết phục hơn, có lý lẽ hơn. Tôi xin thử đưa ra một cách hiểu thế này để xin ý kiến của các bậc cao minh cao kiến xem sao nhé. Theo tôi, cuộc sống của một dân tộc, để tồn tại và phát triển, không chỉ có một quy luật là độc lập (l'indépen dance) mà còn có một quy luật nữa là sự phụ thuộc lẫn nhau (l' interdépendance), không kể còn nhiều quy luật khác. Những gì đang diễn ra trên đất nước ta hôm nay ở mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, ngoại giao, quân sự đã thể hiện hai quy luật đó một cách rõ ràng mà ai cũng đã thấy, mặc dù trong quá khứ, hai quy luật đó ít nhiều cũng đã diễn ra. Tuy nhiên, trong nhận thức thì có thể nói là trước đây, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh hầu như chúng ta chỉ nhận thức về quy luật thứ nhất mà bỏ qua quy luật thứ hai. Trở lại với lịch sử nước nhà từ ngày bị thực dân Pháp xâm lược thì thấy rõ rằng: các thế hệ người Việt Nam ưu tú nhất ở nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, từ 1930 đến 1945, chưa kể từ 1945 đến 1975 đã với lòng yêu nước cao cả, chí căm thù giặc mãnh liệt, anh dũng lãnh đạo nhân dân quyết chiến với kẻ thù để giành độc lập, mà lịch sử đã, đang và sẽ muôn đời ngợi ca, dù đã phải trải qua nhiều thất bại mới đi đến thắng lợi. Bên cạnh đó, lại có một số người Việt Nam, không nhiều, đã đáng coi là ưu tú hay chưa, xin tuỳ, nhưng thực tế họ đã không đi theo quy luật giành độc lập dân tộc bằng vũ trang chiến đấu, mà đã đi theo quy luật interdépendant (phụ thuộc lẫn nhau), tạm chấp nhận sự đô hộ của ngoại bang, nhưng vừa hết lòng vừa bằng tài năng trí tuệ ưu việt của mình, tìm mọi cách khai thác, tận dụng những điều khả thủ từ chính phía kẻ thù vốn có nền văn minh hiện đại, cao hơn hẳn trình độ nước nhà, để từ đó tạo ra những thành quả có lợi lớn cho đất nước trong muôn đời. Tôi cho rằng: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh là những người như thế và muốn nói gì thì nói, thực tế, họ đã là những người tiên phong trong công cuộc hiện đại hoá văn hoá Việt Nam. Ngày nay và cả mai sau, người Việt Nam vẫn viết văn xuôi tiếng Việt, vẫn đọc báo chí, vẫn tra từ điển… chả lẽ không biết ai là người đặt móng xây nền ư! Chỉ thương cho họ là đã trở thành giây co cho người đời lôi kéo. Người khen cũng lắm, mà người chửi cũng nhiều. Nhưng theo dõi tình hình thì xem ra thời gian đang ủng hộ họ. Đó là trên phương diện văn hoá với quy luật phụ thuộc lẫn nhau. Còn trên phương diện chính trị xã hội thì Phan Châu Trinh, chính là người muốn đi theo quy luật interdépendant này bằng cách: tạm dựa vào Pháp để cải cách, duy tân, đưa đất nước lên phú cường, từ đó mà nhe nhắm vấn đề chủ quyền độc lập. Đó là điều mà với các ông Nguyễn Phan Long, Bùi Quang Chiều thì tôi chưa dám nói chắc là gì, nhưng với Phan Châu Trinh thì đã quá rõ. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng: ý tưởng thì cao đẹp như thế, nhưng thực tế thì chính cụ Phan xứ Quảng cũng đã tự nhận trong "Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam" là "chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhằm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thế lực chèn ép và nghi kỵ, tập trung vào các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại"(9). Mặc dù đã để lại những âm vang tinh thần rất đáng trân trọng. Câu thơ trong "Bài văn tế Phan Châu Trinh" của Phan Bội Châu đã ghi nhận điều đó: "Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, của dân chủ, khêu đèn thêm sáng chói". Đây không chỉ là âm vang một thời mà còn là mãi mãi.
Tất cả những gì được trình bày trên đây, chính là nhằm lý giải hiện tượng Phan Bội Châu từ bỏ bạo động để chủ trương Pháp Việt đề huề trong trạng thái vừa chao đảo, vừa dứt khoát như trên đã nói. Và tôi muốn kết luận rằng: chuyện đề huề của cụ Phan là chuyện nằm trong sự phức tạp của đời sống chính trị xã hội như thế. Không thể lấy cái đơn giản, phiến diện trong nhận thức mà lên án cụ một cách nặng nề như từng có. Để rõ thêm vấn đề, tôi xin phép được nói thêm rằng: ngay ở Hồ Chí Minh, vốn là vị lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc bằng đường lối vũ trang bạo động và thắng lợi vẻ vang thì cũng không hề cứng nhắc, cực đoan, chủ trương bạo động. Không phải không có lúc Người đã có chủ trương thuộc về quy luật phụ thuộc lẫn nhau để rồi bị kẻ thù của mình bù lu bù loa, cho là người bán nước, nhưng nhân dân, lịch sử thì lại biểu dương, ngợi ca là thiên tài chính trị. Đó là việc Người ký Hiệp ước 6/3 và Hiệp ước Phông-ten-bờ-lô (1946) tạm chấp nhận Việt Nam đứng trong Liên hiệp Pháp. Vậy sao không lấy chuyện cụ Hồ để nghĩ về cụ Phan.
Yên Hoà thư trai

Bài viết nhân dịp kỷ niệm 140 năm sinh của bậc anh hùng vị thiên sứ Phan Bội Châu
SỐNG


Sống tủi làm chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh, không tưởng nước
Sống lo phú quý chẳng lo đời,
Sống mà như thế đừng nên sống !
Sống tủi làm chi đứng chật trời!

CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hoá thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.

No comments:

Post a Comment