Hơn 3 giờ bị câu lưu trái pháp luật
Nguyễn Quang A
Chúng tôi định đi thăm các tù nhân lương tâm và gia đình họ ngày
18-1-2014, tôi mắc bận không đi được. Ngày 19-1-2014 khi dự lễ tưởng niệm Hoàng
Sa tại tượng đài Lý Thái Tổ mới biết cuộc đi thăm tù nhân được chuyển sang ngày
20. Chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt do công an (tôi tin những người mặc thường
phục hôm đó cũng là công an mặc thường phục để che mắt thiên hạ) gây ra trong
buổi tưởng niệm 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, nhưng tôi đã không nhắc
đến sự kiện đau lòng và ô nhục vào buổi sáng đó trong bữa cơm tối với phó thủ
tướng Vương quốc Bỉ, một giáo sư về luật hiến pháp và nhân quyền. Giá mà bữa
cơm ấy diễn ra sau 20-1-2014 thì tôi đã có thể nói cho vị giáo sư đáng kính về
kinh nghiệm bản thân mà tôi tóm tắt sau đây.
Ngày 20 -1-2014 chúng tôi đi thăm và cuộc viếng thăm này đã kéo
dài ngoài dự kiến. Đến tận sáng 21-1-2014 lúc 0 giờ 13 phút tôi mới về đến nhà
sau hơn 3 giờ bị câu lưu trái pháp luật tại xã Chương Dương, huyện Thanh trì Hà
Nội cùng 6 người bạn khác. Trả lời nhà báo Trần Quang Thành xong tôi lên giường
đánh một giấc đến hơn 7 giờ sáng, rồi lại phải đi họp ở xa Hà Nội nên chỉ kịp gửi
email cảm ơn bạn bè đã quan tâm đến việc xảy ra tối qua ngày 20-1-2014 và hứa sẽ
viết lại tóm tắt để mọi người rõ.
Chiều mới quay lại Hà Nội và nhận được rất nhiều điện thoại từ
những người quen và các sứ quán trước và trong lúc viết mấy dòng này và quên mất
việc mình có lịch đi dự Quốc khánh Australia tại khách sạn Melia (rất xin các bạn
Úc thứ lỗi).
A. Vài sự kiện
Chúng tôi gồm nhà thơ, cựu chiến binh Nguyễn Trường Thụy, anh Lê
Hùng, anh Vũ Mạnh Hùng, anh Nguyễn Lân Thắng, anh Nguyễn Kim và cô Thảo đã đến
thăm cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội tại xã Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội.
Cuộc viếng thăm nhân dịp tết sắp đến kéo dài khoảng 20 phút, chúng tôi xin phép
ra về vì đã muộn và còn phải đi thăm những người khác nữa.
1. Ra đến đường làng ngay trước cổng nhà anh Trội thì
gặp hơn 20 người mặc thường phục vây quanh, cản không cho chúng tôi đi. Họ “mời”
chúng tôi đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã để làm việc. Chúng tôi hỏi họ là ai, họ
có quyền “mời” như vậy hay không? Và nếu là “mời” thì lời mời đó bị chúng tôi từ
chối. Họ không chứng minh được tư cách của họ (thí dụ bằng trương ra thẻ công
an của họ; thậm chí có 1 người được gia đình anh Trội nói là ninh ở huyện đã từ
chối nhận mình là công an mà chỉ nói anh ta là một người dân) nên chúng tôi
không đi. Lúc họ nói họ rất tôn trọng chúng tôi nên mới “mời,” lúc họ đe dọa,
thậm chí văng tục, và ép mọi người đến ủy ban, sau khi mời không xong họ bảo
“tôi yêu cầu chứ tôi đ. mời nữa!” Giữa chừng hai xe của chúng tôi (trong đó có
1 taxi) đã bị họ lùa đến sân Ủy ban. Với sức mạnh cơ bắp và bạo lực họ đã áp tải
chúng tôi đến Ủy ban. Khoảng thời gian giằng co trước cổng nhà anh Trội đến Ủy
ban xã hết khoảng 30 phút và cộng thêm thời gian họ áp tải chúng tôi đến Ủy ban
xã tổng cộng hết khoảng 35-40 phút. Chi tiết những lời lẽ trao đổi dọc đường có
thể nghe trên 3 clip của Nguyễn Lân Thắng có độ dài 17:54, 13:18
và 10:20.
2. Khi đã vào đến Ủy ban Xã, họ đưa 6 người chúng tôi
lên Văn phòng Đảng ủy Đảng Cộng sản Việt Nam xã Chương Dương (!!!). Lúc đó là
20 giờ ngày 20-1-2014. Xuất hiện 3 người: Ông Phạm Nhật Cường trưởng công an
xã, ông Khánh và ông Hải từ an ninh huyện Thường Tín. Ông an ninh huyện trợ
giúp pháp lý cho ông Cường và nói rằng theo quy định trưởng công an xã có quyền
kiểm tra giấy tờ tùy thân của chúng tôi còn họ (từ huyện) thì không có chức
năng đó. Họ yêu cầu chúng tôi cho họ xem chứng minh nhân dân (4 người có, 2 người
không mang CMT theo người). Tôi bảo anh Cường rằng lẽ ra anh đã phải có mặt
30-40 phút trước ở trước cổng nhà anh trội, trương thẻ công an của mình ra và với
tư cách trưởng công an xã anh giải thích rằng theo quy định luật pháp anh có
quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân theo đúng thủ tục thì chúng tôi đã đưa CMT cho
anh xem và việc đó hay hơn việc câu lưu chúng tôi rất nhiều. Vì cách làm của
các anh là hoàn toàn trái luật và vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Trong
suốt quá trình ở Văn phòng Đảng ủy 3 người họ thay phiên nhau ra ngoài hoặc đi
xuống tầng trệt (chắc là để trao đổi hay nhận lệnh).
3. Lúc 9h45 có 3 xe nghe nói là từ Bộ Công an đến với nhiều
người từ trên bộ. 10h00 anh Cường nói với tôi “mời anh Quang A xuống dưới để mấy
anh hỏi vài chuyện”. Tôi bảo anh Cường, anh hãy xuống và bảo mấy anh ở dưới đó
“tôi cám ơn lời mời, nhưng lời mời của họ không được tôi chấp nhận. Tôi không
có chuyện gì để trao đổi với họ. Việc anh (Cường) có quyền hỏi CMT thì tôi đã
đưa CMT cho anh và thế là xong chuyện, không còn gì để nói hay để bàn nữa. Nếu
mấy anh ấy có lên trên này trước mặt 5 người khác và có hỏi tôi bất cứ gì tôi
cũng sẽ không trả lời.” Không ai khác được mời xuống để hỏi riêng. Chúng tôi ngồi
uống nước suông với cái bụng đói mèm. Anh Trội ra mua được 2 gói bánh, tôi làm
4 chiếc với nước lã và ngồi đợi cùng mọi người.
4. 10h40 xuất hiện 3 người với video camera quay chúng tôi
từ mọi góc. Lúc này chúng tôi mới bảo họ rằng “ngay từ đầu chúng tôi đã hỏi các
anh để chúng tôi quay toàn bộ cuộc câu lưu này thì các anh đã không chấp nhận,
bây giờ các anh chĩa vào mặt chúng tôi quay mà chẳng thấy xin phép chúng tôi gì
cả,” nhưng chúng tôi đã quá quen cảnh bất lịch sự này rồi nên bỏ qua.
5. Anh Cường quay lại và bảo chúng tôi ký biên bản. Chúng
tôi nói việc đưa CMT cho anh kiểm tra là đã xong. Chúng tôi không liên quan gì
đến cái văn bản do các anh tự viết ra và gọi là biên bản cả và nhất quyết sẽ
không ký vào bất kỳ giấy tờ nào. Anh Cường nói thế thì phải làm biên bản rằng
các bác không ký. Chúng tôi bảo cái đấy tùy anh và chúng tôi không liên quan. Họ
viết 1 tờ giấy gọi anh lái xe Taxi lên ký làm chứng. Chúng tôi không biết 2 văn
bản đó họ viết gì.
6. Anh Nguyễn Kim đi xuống rồi chúng tôi nghe tiếng ồn lớn
và tiếng kêu la rất to. Chúng tôi kéo xuống và thấy anh Kim bị đánh và đang kêu
rất đau. Chúng tôi dìu anh lên, anh nói có 1 tên đánh anh 4 cú và định kéo anh
vào phòng riêng, nhưng do anh la to và chúng tôi xuống kịp thời nên nó thôi
(cũng tại đây một thời gian trước đã xảy ra việc 1 khách đến thăm anh Trội đã bị
đánh gãy xương).
7. Anh Cường quay lại nói 5 người có CMT (thêm anh Kim người
lái xe nên không bị đưa lên Văn phòng Đảng ủy Xã ngay từ đầu, nhưng họ thấy anh
nói chuyện thân mật với vợ anh Trội, chứng tỏ anh cũng quen biết anh Trội nên
đã bị đưa lên sau và bị hỏi CMT) có thể ra về, còn 2 người không có CMT ở lại
chờ xác minh. Chúng tôi nói chúng tôi chờ xác minh xong thì về một thể. Một lúc
sau họ nói đã xác minh xong và mời chúng tôi ra về. Lúc này vừa đúng 23 giờ.
8. Xuống sân đèn tối om. Chúng tôi đòi họ bật đèn sân, họ bảo
bị mất điện (trong khi trên phòng điện vẫn sáng). Cổng bị khóa chặt từ lúc câu
lưu chúng tôi được mở ra. Anh Trội có đèn pin dẫn chúng tôi ra cổng. Anh Kim vạch
áo và có thể thấy một vết xước rớm máu dài trên bả vai. Gần 20 bạn hữu đến ứng
cứu chúng tôi từ ngoài đường tràn vào sân. Một người hô to “đả đảo công an đánh
người” và mọi người hô theo “đả đảo,” “đả đảo”. Hô ba bốn lần thì họ ép
được chúng tôi ra khỏi cổng và khóa cổng lại. Chúng tôi lên xe về nhà.
B. Vài bình luận sơ bộ
1. Những người tự xưng là công an trong đoạn A.1 kể trên đã
vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng, không hiểu chút gì về quyền con người
và rất hách dịch với dân. Chúng tôi đòi công khai ngân sách nhà nước chi cho lực
lượng công an, giành một phần thích đáng kinh phí đó để dạy công an về pháp luật,
về nhân quyền, về việc không được vi phạm pháp luật và hỗn láo với dân những
người đã đóng thuế để nuôi họ và toàn bộ bộ máy nhà nước này.
2. Chỉ có đi thực tiễn mới thấu hiểu được sự vi phạm nhân
quyền, sự lạm dụng quyền lực tràn lan đến thế nào, nhất là ở vùng nông thôn nơi
người dân chưa hiểu rõ quyền của mình và thường xuyên bị những người nhân danh
nhà nước hành hạ, đối xử một cách hỗn láo và thô bạo. Chính vì thế tôi cầu mong
càng nhiều người (nhất là các trí thức) hãy đi thăm các cựu tù nhân lương tâm,
gia đình các tù nhân lương tâm (đang ở trong tù) để hiểu hoàn cảnh của họ và những
âm mưu thâm độc của một số người lạm dụng quyền lực (mà chủ yếu là lực lượng
công an) đã và đang tìm mọi cách cô lập họ về mọi mặt, triệt phá mọi kế sinh
nhai của họ (hầu hết việc sản xuất kinh doanh hay công việc kiếm tiền của họ bị
triệt hạ một cách hết sức tinh vi và hiểm độc). Việc thăm viếng này là quyền của
chúng ta và không một thế lực nào có thể cản chúng ta. Chúng ta cũng nên tổ chức
đi thăm các tù nhân lương tâm; việc này cần được phép của cơ quan chức năng vì
các tù nhân lương tâm đang trong nhà tù. Và tất nhiên chúng ta phải liên tục
lên tiếng đòi thả hết các tù nhân lương tâm.
3. Chúng ta có thể đọc và tưởng là hiểu rất nhiều. Tôi có
thể khẳng định 1 giờ mà quý vị đến thăm họ để biết hoàn cảnh thật của họ tại
gia đình họ, thì 1 giờ đó có thể giúp quý vị hiểu nhiều hơn 1 năm chỉ đọc và chỉ
nghe. Hãy thường xuyên đến với họ, bày tỏ sự đoàn kết với họ và đấy là một
trong những cách phá vỡ sự cô lập chết người mà một số kẻ lạm dụng quyền lực đã
và đang gây ra một cách hết sức tinh vi và dã man cho các tù nhân lương tâm và
gia đình của họ.
N.Q.A
A
No comments:
Post a Comment